Luật sẽ giải quyết được những vấn đề gì có lợi cho dân và phúc đáp được yêu cầu quản lý nhà nước như thế nào?

Tán thành việc ban hành Luật Hộ tịch, tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất hiện nay đó là khi ban hành, Luật sẽ thay thế, loại bỏ được bao nhiêu loại giấy tờ tùy thân trong quản lý dân cư hiện nay? Bên cạnh đó, cần làm rõ tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật cho phù hợp với điều kiện thực tế; giảm bớt việc ban hành văn bản hướng dẫn; bảo đảm tính thống nhất với quy định của các luật khác cũng như Đề án tổng thể về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư…

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Chưa thuyết minh và chưa giải trình một cách đầy đủ, thuyết phục

Nói thật là các cơ quan chưa thuyết minh và chưa giải trình được một cách thật đầy đủ, thuyết phục với Thường vụ Quốc hội. Bởi vì những “sự kiện” về hộ tịch, tôi nghĩ nó cũng giống như 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đây là những vấn đề tự nhiên, tồn tại mãi với con người, với xã hội, không phải bây giờ ta mới làm công tác hộ tịch mà từ xưa ta đã làm hộ tịch và đến bây giờ ta đều làm và cũng có cơ sở pháp lý là nghị định của Chính phủ và những luật có liên quan như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Nuôi con nuôi… Nhưng bây giờ không lý giải được một cách thật rành mạch, thật rõ ràng những lợi ích của việc nâng các nghị định lên thành luật sẽ giải quyết được những vấn đề gì có lợi cho dân, nó phúc đáp được yêu cầu quản lý nhà nước, những vấn đề kinh tế-xã hội, an ninh trật tự? Tất cả những chuyện đó, luật này giải quyết được những vấn đề như thế nào trong yêu cầu là cải cách hành chính và đổi mới. Ở đây tôi thấy những vấn đề như vậy nên bây giờ phải rà soát lại, xếp lại tất cả những loại vấn đề, từng loại vấn đề, khẳng định vấn đề này có thể đưa vào trong luật này được không hay bỏ loại này đi thì có lợi cho dân và cho xã hội, cho Nhà nước. Ví dụ, vấn đề hộ khẩu, hộ tịch, ý kiến của chúng ta muốn là chỉ bằng một loại giấy tờ, bằng một loại thủ tục hành chính có thể gộp được 2 cái đó không thì phải trả lời. Vấn đề hộ khẩu, vừa rồi QH đã thông qua, đưa vào trong quản lý dân cư, Luật Cư trú và khẳng định Bộ Công an, Chính phủ và Quốc hội nói rằng vẫn cần phải có hộ khẩu trong điều kiện hiện nay để quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự. Như vậy, vấn đề hộ khẩu trong điều kiện hiện nay là rất cần thì hộ tịch là sinh tử, kết hôn chưa thể đưa vào đây được, nếu làm thì rõ ràng vẫn phải giữ lại những công việc này. Bây giờ người ta hỏi là bớt được bao nhiêu loại thủ tục giấy tờ trong hộ tịch đổi mới này, những cơ quan nào làm việc này và phục vụ cho những yêu cầu gì? Điều đó phải làm thật rõ. Bởi vì những giấy tờ liên quan tùy thân của con người rất nhiều, quốc tịch có, lý lịch tư pháp có, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước, chứng minh thư… bao nhiêu loại bây giờ ta phải xếp lại, cái nào đưa vào cái nào, cái nào giảm đi tôi nghĩ đều cần có thời gian. Đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Nội vụ và Ủy ban Pháp luật ngồi lại sau đó chúng ta rà soát lại một lần nữa.

Một vấn đề nữa là luật này có hiệu lực từ năm 2016 như vậy là còn gần 3 năm nữa, bao nhiêu vấn đề ngổn ngang như thế này tôi nghĩ cũng chưa cần phải trình ra QH cuối năm nay. Có thể chúng ta vẫn làm sau đó đến đầu sang năm báo cáo lại với Thường vụ Quốc hội tất cả những vấn đề hôm nay Thường vụ đặt ra, các cơ quan đặt ra, lúc đó mới trình ra, như vậy sẽ kỹ hơn. Tôi nghĩ nên lùi lại một kỳ nữa và cũng xem ý tưởng Luật Căn cước như thế nào, những gì quy định vào đó, có thay đổi lại những văn bản hiện nay không, lúc đó làm cho chắc.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Tác động của số định danh cá nhân như thế nào?

Tôi nhớ lúc đầu tiên trình dự thảo Luật Hộ tịch thì vấn đề vướng mắc nhất là công dân có quá nhiều loại giấy tờ. Có cách thức đổi mới nào để công dân thuận lợi trong quá trình tổ chức công việc, làm ăn sinh sống của mình, giảm bớt các loại giấy tờ và giảm bớt phiền hà đối với công dân?

Tôi thấy dự thảo luật này có bước tiến bộ mới là đã đưa ra số định danh cá nhân. Theo Tờ trình của Chính phủ thì hiện nay công dân có khoảng 20 loại giấy tờ khác nhau, nhưng cuối cùng tôi vẫn chưa hiểu số định danh sẽ giảm bao nhiêu loại giấy tờ của công dân, trong này tôi chưa thấy.

Tại Điều 10 có quy định về số định danh cá nhân, số định danh này được ghi vào sổ hộ tịch nhưng chỉ nằm ở điều nguyên tắc còn các điều luật cụ thể thì không điều luật nào nói về số định danh cá nhân. Tôi đọc lại Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo luật này cũng không nói đến tác động đối với số định danh cá nhân, chỉ phân tích chuyện phân cấp, phân tích chuyện có hộ tịch viên thì giải quyết được vấn đề gì. Tôi cũng chưa hiểu toàn bộ ý đồ của việc có số định danh cá nhân này sẽ đi tới đâu, tôi hiểu nó cũng làm cơ sở dữ liệu của công dân để ghi toàn bộ nội dung hộ tịch theo quy định của mình trong dự thảo luật. Câu hỏi là để quay trở lại vấn đề trước đây chúng ta tranh luận là liệu rằng số định danh cá nhân này sẽ giải quyết những gì liên quan đến 20 loại giấy tờ mà công dân đang “mang vác” cùng với cuộc đời người ta. Tôi cũng xin hỏi tại sao chỉ có một điều quy định nguyên tắc còn tất cả những điều sau không có một điều nào cụ thể về số định danh cá nhân?

Nếu đưa ra một lộ trình từ năm 2016 – 2020 kết thúc thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp  có thể nói cho tôi biết sau năm 2020 mỗi công dân có số định danh cá nhân rồi thì còn bao nhiêu loại giấy tờ đi theo cuộc đời người ta? Nếu ghi ở đây giữa chừng thì đang buông lửng, tức là mới cho số ghi vào sổ hộ tịch và ghi điều đó vào cơ sở dữ liệu, còn nó kết nối gì với 20 loại giấy tờ hiện nay, tôi không thấy, tôi cũng không biết sẽ giảm bao nhiêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Nếu làm như thế này thì chỉ thêm người, thêm việc, không giúp gì được cho dân

Về Luật Hộ tịch tôi và nhiều người khác đặt rất nhiều kỳ vọng, kỳ vọng lớn nhất là sẽ thay thế được nhiều giấy tờ mà công dân phải mang trong ví. Qua Tờ trình của Chính phủ xin hỏi là chúng ta có Luật Hộ tịch, liên quan đến hộ tịch cũng giải thích một chút tới hộ khẩu. Có hộ tịch, hộ khẩu là 2 việc khác nhau và tinh thần chung vẫn như thế, giải quyết hộ tịch riêng, hộ khẩu riêng, nghĩa là không thống nhất được gì, ngoài ra còn có chứng minh thư nhân dân, có hộ chiếu. Bây giờ có phát minh mới là có định danh cá nhân, trong hộ khẩu cũng có định danh nhưng là định danh gia đình, chứng minh thư nhân dân là định danh cá nhân, hộ chiếu cũng định danh cá nhân, bây giờ lại thêm một định danh nữa, có lợi thêm cái gì thì tôi chưa thấy rõ, chỉ thấy rắc rối, phiền phức thêm, không thay thế được gì cả. Tại sao chúng ta không đặt vấn đề gom mấy nhóm này lại từ hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, thậm chí cả hộ chiếu để một người chỉ có một loại giấy tờ như thuyết trình ban đầu, có một cái thẻ tra số định danh là ra tất cả. Nếu làm như thế này tôi nghĩ rằng hình như chỉ thêm người, thêm việc mà không giúp cho dân được gì.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi: Làm rõ khía cạnh kỹ thuật của việc đăng ký hộ tịch

Tôi cũng xin hỏi thêm để hiểu rõ khía cạnh kỹ thuật của việc đăng ký về hộ tịch. Ở đây nói giao tất cả các công việc đăng ký hộ tịch cho UBND cấp xã và có thể hiểu đây là nơi đăng ký khai sinh. Chúng ta nói là giao hết cho UBND để người dân tiện liên hệ với nơi mình ở nhưng trên thực tế người dân liên hệ tiện với nơi mình cư trú chứ không phải nơi mình ở. Ví dụ nếu giao hết cho UBND cấp xã nơi mình khai sinh thì tất cả những đăng ký tiếp theo phải về đó để thực hiện hay có thể có mối liên hệ giữa nơi cư trú với nơi  đăng ký khai sinh? Theo tôi việc này được giải quyết nếu ta có cơ sở hộ tịch điện tử và thực hiện nhiều cửa, có thể đăng ký ở UBND xã, phường khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn được tập trung về một mối là cơ sở điện tử và sử dụng chung. Như vậy mới giải quyết được vấn đề. Ví dụ người đăng ký khai sinh ở miền Nam, bây giờ ra miền Bắc làm việc, đăng ký kết hôn thì được đăng ký ở nơi mình cư trú, hiện nay đang được như vậy, nó tiện hơn rất nhiều là phải về đúng nơi khai sinh để đăng ký. Vậy đã có phương án xử lý như thế này chưa? Đặc biệt là trong thời gian chúng ta vẫn sử dụng sổ hộ tịch bằng giấy, cái đó không thể dùng điện tử chuyển cho nhau được rồi, bắt buộc phải trở về nơi có sổ gốc đăng ký khai sinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Luật sẽ tác động vấn đề ngân sách như thế nào?

Thứ nhất là khi “anh” vào sổ hộ tịch thì “anh” phải có những căn cứ pháp lý để ghi vào, tôi đi đăng ký kết hôn thì rõ ràng tôi phải có giấy đăng ký kết hôn, đó là căn cứ để tôi ghi vào sổ hộ tịch hay tôi khai sinh thì tôi phải có giấy khai sinh thì căn cứ để cho cán bộ ghi vào sổ hộ tịch, ngay ở trong này một số điều ghi rất rõ, như Điều 32, ví dụ thủ tục đăng ký thay đổi cải chính hộ tịch, xác định hộ tịch thì hồ sơ bao gồm: một là tờ khai theo mẫu quy định. Cái này rõ ràng công dân phải khai, giấy tờ liên quan là một căn cứ chứng minh cho yêu cầu thay đổi, lại thêm thủ tục bởi đây là cơ sở, cho nên tôi thấy bảo giảm giấy tờ, tôi thấy chẳng giảm giấy tờ gì, nếu đúng như thế này, rõ ràng công dân sẽ tăng thêm những yếu tố phải thay đổi và phải có giấy tờ thì cán bộ hộ tịch mới có thể ghi được vào sổ, chứ không thể thông qua hệ thống điện tử, internet có thể làm được bởi với trình độ của chúng ta hiện nay mà đạt được yêu cầu đã đề ra là rất khó khăn, tính khả thi không cao.

Thứ hai, nếu nói không ảnh hưởng gì đến vấn đề ngân sách thì tôi không tin. Nói như thế này không phải. Một là phải xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu thông tin, nói thế không phải đơn giản, ngành thuế, ngành hải quan bao năm nay trút bao nhiêu tiền còn chưa làm được. Hai là 11 nghìn xã này ít nhất là anh phải có 11 nghìn “ông” làm hộ tịch viên, bởi nói là không thể kiêm nhiệm được. 11 nghìn mà hiện có 5 nghìn tức là phải tăng lên 6 nghìn nữa. Biên chế tăng lên, vậy thì tác động vấn đề ngân sách như thế nào, chưa kể đến những vấn đề khác nữa. Trong này tôi chưa thấy Chính phủ nêu rõ là sẽ thêm bao nhiêu tiền. Vì tôi liên quan đến tài chính, ngân sách, tôi vẫn phải quan tâm là tiền bao nhiêu, có khả thi không, có đủ tiền để bảo đảm thực hiện luật này đi vào cuộc sống hay không?

Minh Vân lược ghi

Nguồn: daibieunhandan.vn
Vkyno (st)

Advertisement
Posted in Thời sự trong nước. Nhãn: , , . Chức năng bình luận bị tắt ở Luật sẽ giải quyết được những vấn đề gì có lợi cho dân và phúc đáp được yêu cầu quản lý nhà nước như thế nào?
%d người thích bài này: