Quản lý chặt chẽ các dự án xây dựng có vốn Nhà nước

(ĐCSVN) – Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đang thảo luận việc sửa đổi Luật Xây dựng năm 2003. Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 25/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trao đổi với báo chí về một số nội dung xoay quanh dự án Luật này.

PV: Thưa Bộ trưởng, hiện nay, Luật Xây dựng hiện hành quy định các nguồn vốn là không rõ ràng dẫn đến tiêu cực, thất thoát. Trong lần sửa đổi này, Luật Xây dựng có đưa thêm những quy định để kiểm soát việc này chặt chẽ hơn không?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Luật Xây dựng năm 2003 – Luật hiện hành hiện nay không phân rõ phương thức quản lý với các nguồn vốn khác nhau. Ví dụ, các công trình xây dựng có vốn ngoài Nhà nước cũng như vốn Nhà nước đều giao cho chủ đầu tư có quyền tối cao. Điều này dẫn đến việc gây thất thoát vốn Nhà nước. Quy định này chỉ phù hợp với nguồn vốn ngoài nhà nước, đối với nguồn vốn của Nhà nước thì người chủ đầu tư không phải là người chủ sở hữu mà chỉ là người được ủy quyền của Nhà nước. Cho nên rất cần sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.

Luật Xây dựng lần này sẽ tập trung để khắc phục tình trạng này. Đây là đổi mới căn bản, các nguồn vốn khác nhau có phương thức quản lý khác nhau, trong đó đề cao trách nhiệm giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng; trách nhiệm của các quan chức, công chức. Thay vì trước đây khi xảy ra thất thoát, lãng phí những người này thường đứng ngoài cuộc.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trình Đình Dũng. Ảnh:Linh Đan 

PVXin Bộ trưởng cho biết điểm mới của Luật Xây dựng sửa đổi lần này?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Điểm mới nhất của Luật lần này là thay đổi phương thức quản lý các nguồn vốn, trong đó tập trung quản lý vốn của Nhà nước. Đây là vốn dễ gây thất thoát lãng phí nhất.

Đối với các dự án có nguồn vốn ngoài nhà nước thì chúng ta chỉ quản lý xem có phù hợp với quy hoạch hay không, có an toàn cho cộng đồng không…

Riêng đối với dự án có nguồn vốn của Nhà nước thì cần phải kiểm soát chặt chẽ chi phí để hạn chế tình trạng thất thoát lãng phí. Theo tôi, phương thức này sẽ dẫn đến một loạt điều khoản quy định để quản lý trong đó có điều rất quan trọng là phải tập trung quản lý đầu tư cơ bản từ khâu vị trí công trình, khảo sát, lập dự án, thẩm tra thiết kế cơ sở. Đến giai đoạn thực hiện xây dựng phải kiểm tra thiết kế kỹ thuật, kiểm tra giám sát quá trình xây dựng, kiểm tra công tác bảo hành, bảo trì…để tất cả công tác xây dựng phải đảm bảo.

PVThưa Bộ trưởng, trong lĩnh vực xây dựng hiện nay có quá nhiều các chủ đầu tư, vậy Luật Xây dựng sửa đổi sẽ làm gì để giải quyết được vấn đề này?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đây là một nguyên nhân gây thất thoát. Hiện nay, đất nước ta có hàng nghìn ban quản lý xây dựng. Vì theo luật hiện hành, ai sử dụng công trình là chủ đầu tư và người chủ đầu tư có quyền thành lập ban quản lý để quản lý các công trình. Điều này chỉ phù hợp với nguồn vốn ngoài nhà nước. Nhưng nguồn vốn nhà nước thì không phù hợp. Cho nên phải khắc phục tình trạng này. Thay vì hàng nghìn chủ đầu tư, ban quản lý như vậy trong khi chúng ta lại có quá ít người có đủ năng lực để quản lý về đầu tư xây dựng, kỹ thuật xây dựng và nghiệp vụ thì cần giải pháp gì? Vì việc chia ra nhiều ban quản lý chắc chắn mỗi ban quản lý chất lượng sẽ thấp. Mặt khác, ban quản lý này chỉ tồn tại khi công trình còn, khi xây dựng xong công trình thì ban quản lý cũng giải thể. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến trách nhiệm của ban quản lý này không cao. Khắc phục tình trạng này, trong Luật Xây dựng sửa đổi yêu cầu phải thành lập các ban quản lý chuyên nghiệp, trong đó có ban quản lý khu vực, ban quản lý chuyên ngành.

Chẳng hạn, tại các địa phương, trên tỉnh có vốn ngân sách thì chỉ cần các ban quản lý chuyên ngành về dân dụng, trong đó bao gồm y tế, giáo dục, các công trình công cộng… Một ban quản lý công trình về giao thông; ban quản lý công trình nông nghiệp, nông thôn… Làm như vậy chắc chắn chúng ta có ít ban quản lý hơn nhưng sẽ tồn tại lâu dài, tăng được chất lượng, năng lực của ban quản lý. Ngoài ra, do kéo dài thời gian nên trách nhiệm của ban này cũng được tăng lên. Khi nào có sự cố thì ban quản lý đó vẫn còn tồn tại và phải có trách nhiệm tới cùng về sự tồn tại của công trình. Không chỉ trong quá trình xây dựng mà khi xây dựng xong rồi, đưa vào khai thác sử dụng các ban quản lý này vẫn phải có trách nhiệm.

PV: Kiểm soát chất lượng công trình xây dựng thì phải kiểm soát từ khi thiết kế, bắt đầu có chủ trương. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Tôi cho rằng phải kiểm soát từ khâu ban đầu. Vì công trình xây dựng thất thoát không chỉ khi ta xây dựng mà từ chủ trương. Chúng ta đặt công trình vào vị trí không phù hợp thì đã có sự lãng phí rất lớn. Chúng ta gọi đó là thất thoát vô hình. Nếu công trình được đặt ở nền đất tốt thì giá rẻ, cũng công trình đó đặt ở nền đất xấu giá sẽ tăng lên rất nhiều. Việc này không bị mất cắp nhưng đã bị lãng phí rất lớn. Hoặc có những công trình không cần thiết phải xây dựng nhưng chúng ta cứ xây dựng thì sẽ lãng phí gần như 100% vì xây dựng xong không sử dụng đến. Cho nên phải quản lý công trình suốt quá trình từ khâu xem xét vị trí đặt công trình, kiểm soát thiết kế cơ sở (cốt lõi của dự án đầu tư, tạo ra hình dáng công trình, công năng công trình), vì điều đó quyết định giá cả và hiệu quả sử dụng công trình đó.

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước phải tập trung quản lý từ thiết kế cơ sở, thay vì trước đây chúng ta không làm chặt khâu này dẫn đến thất thoát, lãng phí rất lớn.

Thứ hai, quản lý trong quá trình xây dựng xem có tiết kiệm không, có bền vững, an toàn, đảm bảo môi trường, phòng cháy chữa cháy không.

Thứ ba, là phải kiểm soát quá trình thi công có đúng thiết kế, đúng vật liệu và có đảm bảo đúng qui trình… Rồi nghiệm thu, bàn giao có đúng hay là tăng khống dẫn đến thất thoát… Tất cả quá trình đó yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước phải có mặt, có trách nhiệm để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn Nhà nước./.

Đỗ Thoa (ghi)

Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)

Advertisement
Posted in Thời sự trong nước. Nhãn: , , , , . Chức năng bình luận bị tắt ở Quản lý chặt chẽ các dự án xây dựng có vốn Nhà nước
%d người thích bài này: