Sau một thời gian có vẻ như tạm lắng, mới đây nhất ngày 26-3, lãnh đạo chính quyền của cái gọi là TP. Tam Sa (Trung Quốc) đã đi thêm một bước trong chiến dịch xâm chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bước đi cụ thể ấy chính là việc “Phó Thị trưởng TP.Tam Sa” Trương Canh tuyên bố với Tân Văn Xã: Trong năm 2014 sẽ nghiên cứu thúc đẩy xây dựng chính quyền cấp cơ sở ở bãi đá Vành Khăn và Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Đây là bước đi tiếp theo, có chủ đích của Trung Quốc trong diễn tiến thôn tính toàn bộ khu vực Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trường Sa Lớn
Quay lại với lịch sử hình thành của Hoàng Sa và Trường Sa, nếu không kể đến những chứng cứ lịch sử về sự thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này của các Nhà nước phong kiến Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước; chỉ tính riêng từ khi chúng ta thống nhất hoàn toàn đất nước, về quản lý hành chính, năm 1982, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai và huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau khi được điều chỉnh địa giới hành chính, huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Đối với quốc tế, Chính phủ ta cũng đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo kể trên hoặc trong các công hàm gửi các bên liên quan hoặc trong các tuyên bố của Bộ Ngoại giao, hoặc trong các hội nghị quốc tế. Chúng ta cũng nhiều lần công bố Sách trắng (trong các năm 1979,1981,1988) về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo kể trên trong đó khẳng định: Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và rằng Việt Nam có đầy đủ chủ quyền với hai quần đảo này, phù hợp với các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Về những vấn đề liên quan đến hai bãi đá Chữ Thập và Vành Khăn của Việt Nam, có lẽ cũng cần nhắc lại một chút những vấn đề liên quan. Hai bãi đá ấy trên thực tế đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988 (với bãi đá Chữ Thập) và 1994 (với bãi đá Vành Khăn). Vào ngay cái thời điểm xảy ra cuộc xung đột vũ trang do phía Trung Quốc tạo ra ở Trường Sa, ngày 14-3-1988, Bộ Ngoại giao ta đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ cuộc xung đột vũ trang do họ tạo nên và khẳng định trước thế giới về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, phía Trung Quốc đã nhiều lần cho xây dựng các công trình ngầm, nổi tại hai bãi đá với âm mưu dễ nhận biết là củng cố căn cứ ở Biển Đông, lấy địa điểm để tàu thuyền của họ kể cả tàu hải quân và ngư dân dễ bề qua lại, Mục tiêu chính không gì khác ngoài âm mưu gia tăng sự hiện diện ở Biển Đông, làm bàn đạp cho âm mưu thôn tính toàn bộ vùng biển rộng lớn này. Câu chuyện về đường lưỡi bò phi lý họ tự vẽ nên cũng không nằm ngoài âm mưu thôn tính Biển Đông, đã được phía Trung Quốc nhất quán thực thi. Giáo sư Peter Dutton (Học viện Hải quân Hoa Kỳ) đã từng đánh giá các hành động của Trung Quốc nhằm mục đích tăng cường an ninh của mình bằng cách “cạnh tranh với các quốc gia khác về chủ quyền, quyền tài phán và kiểm soát trên vùng Biển Đông không hề tính đến lợi ích của các quốc gia khác”. Đó có lẽ chính là lý do vì sao họ cứ cố gắng làm cái việc không có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông- cố tạo ra căng thẳng để từ đó tìm lấy mối lợi nhờ vào sức mạnh quân sự mà họ có được.
Tư tưởng ấy giờ có vẻ như đã lỗi thời nhưng vì vẫn được dư luận xã hội – là nói đến dư luận cực đoan ở nước này – ủng hộ nên một số cấp chính quyền địa phương vẫn cố tình theo đuổi, trong điều kiện chính quyền trung ương “nhắm mắt làm ngơ’. Bằng chứng chính là chuỗi những hành động gia tăng nhằm củng cố những địa điểm đã từng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Mỗi năm đều có vài vụ việc như thế xảy ra. Nặng thì lập cái gọi là thành phố Tam Sa, nhẹ thì là chuyện đưa khách ra du lịch trái phép hoặc phát hành một bộ tem thư liên quan đến những địa điểm họ đã chiếm đóng trái phép của Việt Nam… Theo cách này hay cách khác, Trung Quốc đang cho thấy sự cố tình cạnh tranh về lợi ích chủ quyền và an ninh với Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực bất chấp hình ảnh của họ đã bị nhạt nhòa đi rất nhiều trong tiềm thức của nhiều người dân ở các nước ASEAN. Chỉ có điều, dường như họ chỉ muốn sử dụng giải pháp thắng-thua dựa trên cạnh tranh thiếu lành mạnh đang ngày càng ít triển vọng thành công thay vì xử lý hài hòa lợi ích giữa các bên. Bởi, xu hướng hòa bình và hợp tác đã và sẽ vẫn thắng thế trong bối cảnh thế giới đã quá “bội thực” bởi những cuộc xung đột xảy ra ở nhiều nơi. Lưu ý ấy không hiểu phía Trung Quốc có nắm rõ hay không? Nếu không cũng tức là họ đã tự đánh mất đi vai trò của mình ở khu vực và rất có thể là cả trên thế giới nếu tình hình Biển Đông trở nên phức tạp hơn.
Hoàng Mai
Nguồn: daidoanket.vn
Vkyno (st)