Một quyết định trách nhiệm trước đất nước và nhân dân!

(ĐCSVN) – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định rút đăng cai ASIAD 18 – Một quyết định quyết đoán, trách nhiệm trước đất nước và nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: chinhphu.vn

Ngày 8/11/2012 đã trở thành một trong những cột mốc quan trọng nhất trong lịch sử ngành TDTT, khi Hội đồng Olympic châu Á (OCA) công bố quyết định trao quyền đăng cai Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18) vào năm 2019 cho Việt Nam. Một năm rưỡi sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định giao các Bộ, ngành liên quan làm việc với OCA để xin rút vai trò chủ nhà, bởi “đây chưa phải là thời điểm thích hợp”. Quyết định rút đăng cai ASIAD 18 được đưa ra trong cuộc họp với các bên liên quan vào chiều 17/4, dù có những lý lẽ đã được đưa ra về khía cạnh tích cực thông qua công tác đăng cai sự kiện này.

Có lẽ, sẽ phải khẳng định rằng, yếu tố quan trọng nhất nằm trong quyết định mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra chính là “tính thời điểm”. Một quyết định đầy trách nhiệm trước đất nước và nhân dân.

Bất kỳ ai cũng đều biết và hiểu rằng, đăng cai một sự kiện thể thao lớn trong khu vực hay tầm cỡ quốc tế sẽ góp phần phát triển kinh tế, xã hội và quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế đất nước, hơn nữa, thúc đẩy ý thức tập luyện thể thao trong toàn xã hội. Nhưng vấn đề ở chỗ, đó phải là một sự kiện thành công và kéo theo đó là những hoạt động mang tính xã hội hóa đối với cơ sở vật chất được đầu tư. Nói cách khác – và chính xác hơn, cần có sự chuẩn bị đầy đủ, chi tiết và kỹ càng nhất không chỉ cho sự kiện mà cho hành trình phía sau nó để tạo nên sự thành công trọn vẹn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thấy rằng, sự không thích hợp xuất phát ngay từ những khâu đầu tiên.

Từ chuyện kinh phí…

Điều mà xã hội quan tâm nhất: Nền kinh tế của đất nước còn đang rất khó khăn không thể dồn sức đăng cai một sự kiện mà “Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm”.

Từng đăng cai SEA Games 22 (2003) và Asian Indoor Games (AIG III – 2009) ư? Đó cũng là những kinh nghiệm quý nhưng chưa đủ so với tầm cỡ của ASIAD. Thừa hưởng cơ sở vật chất và các công trình thể thao trước đó để nói rằng, việc đầu tư “chỉ là 150 triệu USD” ư? Sự lạc quan của ngành TDTT dường như… hơi “bốc đồng”, để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra, “Việc chuẩn bị đăng cai ASIAD 18 chưa chặt chẽ. Khi vận động đăng cai, chưa có Đề án để bảo đảm tổ chức thành công ASIAD nếu được chấp nhận”.

Để tham khảo, xin được lưu ý, từ năm 2002, Hàn Quốc đã đăng cai ASIAD ở Busan với chi phí đầu tư lên đến 2,9 tỷ USD, rồi 12 năm sau, khi chuẩn bị cho Đại hội ở Incheon trong năm nay, dù có kinh nghiệm và “thừa kế” cơ sở vật chất, tổng mức đầu tư vẫn vào khoảng 1,6 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2006 ở Doha (Qatar), họ chi tới 2,6 tỷ USD và năm 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc) là 20 tỷ USD cho sự hoành tráng của sự kiện.

Vẫn biết, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và ngành TDTT hướng đến mục tiêu tổ chức một cách “tiết kiệm tối đa” nhưng không ai dám chắc về yếu tố “thành công”.

… cho đến lòng dân

Một trong những nguồn kinh phí cho mục tiêu đăng cai sự kiện là “nguồn xã hội hóa”. Rõ ràng, tính thời điểm ở đây là quan trọng. Trong giai đoạn cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng còn chưa biết đến khi nào dừng lại, việc dùng nguồn tài chính trong dân không nhận được sự đồng tình.

Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức sự kiện lớn như ASIAD.
(Ảnh có tính minh họa – Nguồn: vtc.vn)


Và dĩ nhiên, việc dùng một số tiền lớn từ ngân sách trung ương và địa phương để đầu tư cho sự kiện thể thao ở giai đoạn cuộc sống còn quá nhiều khó khăn, xã hội còn nhiều vấn đề phải lo là điều không nên làm. Việc đầu tư vào xây dựng đường xá, bệnh viện, trường học còn cấp thiết hơn nhiều.

Nguồn thu từ ASIAD ư? Nên hiểu rằng, trong rất nhiều sự kiện thể thao lớn trên thế giới thì hầu hết là “thu không đủ bù chi”.

Có thể là không vui cho ngành TDTT – nhưng có lẽ, sự đồng tình một cách chính đáng từ người dân đến quyết định của Thủ tướng là đúng đắn, hợp lý. Sự ảnh hưởng sau khi quyết định rút đăng cai là có, nhưng không quan trọng bằng việc nếu Việt Nam – với tư cách chủ nhà, đăng cai một sự kiện mà chuẩn bị cẩu thả, nhếch nhác, thiếu chu đáo.

Năm 2004, Hy Lạp tổ chức VCK Euro (giải bóng đá vô địch các quốc gia châu Âu) và Olympic để sau đó, nền kinh tế của họ lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Hay hiện tại, chỉ còn 2 tháng nữa là World Cup 2014 diễn ra ở Brazil nhưng trong giai đoạn chuẩn bị vừa qua, người dân nước này đã phản đối một cách mạnh mẽ, thậm chí biểu tình trên hầu khắp cả nước, vì Chính phủ đồng ý đăng cai trong thời điểm kinh tế vô cùng khó khăn. Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất vẫn chưa hoàn tất. Và có lẽ, Cúp bóng đá thế giới cũng chỉ được nhìn nhận về “thành công trên khía cạnh chuyên môn” hơn là sự chuẩn bị của nước chủ nhà.

Nhìn nhiều khía cạnh cho thấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một quyết định dũng cảm và đầy thuyết phục vì đất nước và nhân dân./.

Vinh Nguyên

Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)

Advertisement
Posted in Thời sự trong nước. Nhãn: , , , , . Chức năng bình luận bị tắt ở Một quyết định trách nhiệm trước đất nước và nhân dân!
%d người thích bài này: