Ngôi nhà chung của những người làm báo Việt Nam

Ngày 21-4 năm 1950, Hội Nhà báo Việt Nam chính thức được thành lập. 64 năm qua, ngày 21-4 đã trở thành ngày những người làm báo Việt Nam nghĩ về Hội của mình: Hội Nhà báo Việt Nam- mái nhà chung của báo giới. 64 năm trước, tại Roòng Khoa (Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên)- An toàn khu của cuộc kháng chiến chống Pháp – Hội Nhà báo VN chính thức ra mắt. Ít ai biết rằng, địa điểm thành lập Hội Nhà báo VN chính là trụ sở báo Cứu Quốc, tiền thân của báo Đại Đoàn Kết hôm nay.

Nhà báo Xuân Thủy – Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam

Lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam ghi nhận, báo Cứu Quốc giữ một vị trí đặc biệt trong những tháng năm đặc biệt của lịch sử dân tộc. Vì thế, những người phụ trách báo, trực tiếp tham gia viết bài cho báo đều là những nhà chính trị lão luyện, những nhà báo cự phách, như Trường Chinh, Lê Quang Đạo, Xuân Thủy, Nguyễn Thành Lê, Tô Hoài… Cũng chính vì vị trí đặc biệt đó mà ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, báo Cứu Quốc là tờ báo vinh dự được đăng những bài báo của Bác Hồ. Cũng cần nhắc lại, kể từ đó cho tới năm 1955, Bác Hồ đã đăng trên báo Cứu Quốc khoảng 400 bài với nhiều bút danh khác nhau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là người thầy, người lập nên báo chí cách mạng Việt Nam. Báo “Người cùng khổ”, xuất bản số đầu tiên ngày 1-4-1922 tại Paris (Pháp), mà người sáng lập là Nguyễn Ái Quốc, đồng thời cũng là chủ nhiệm kiêm chủ bút. Trong lời tuyên bố xuất bản tờ báo, ghi rõ tờ báo “là vũ khí để chiến đấu, sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) các cơ quan Trung ương rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. ATK (An toàn khu) Định Hóa (Thái Nguyên) trở thành trung tâm của Thủ đô kháng chiến- Thủ đô gió ngàn. Đầu năm 1947, “Đoàn Báo chí kháng chiến”- tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam – được thành lập tại Chiến khu Việt Bắc, do nhà báo Xuân Thủy phụ trách. Lúc bấy giờ ông đang là Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc- Đại Đoàn Kết ngày nay.

Nhà báo Xuân Thủy, tên khai sinh là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2-9-1912, tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Một chi tiết cũng ít người biết đến là ngày 18-6-1985, trước khi ông đột ngột ra đi tại nhà riêng, thì cũng là lúc ông đang viết lịch sử báo Cứu Quốc.

Nhà báo Xuân Thủy tham gia hoạt động cách mạng năm 1935, lần lượt đảm đương nhiều trọng trách của Ðảng và Nhà nước. Cho đến trước khi vĩnh biệt thế giới này, ông là Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ðoàn Chủ tịch, Bí thư Ðảng đoàn UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Sự nghiệp báo chí của nhà báo Xuân Thủy rất dày dặn. Ông viết báo từ những năm 30 của thế kỷ 20. Ông cũng là người cùng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trường Chinh làm những trang báo Cứu Quốc đầu tiên tại một ngôi chùa cổ ven sông Hồng, năm 1940. Ông cũng chính là người trực tiếp làm báo Cứu Quốc từ thời bí mật và suốt cả thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Cũng cần nhắc lại, Cứu Quốc là tờ báo hằng ngày duy nhất của Ðảng và nhân dân ta trong thời kỳ này.

Nhà báo Nguyễn Thành Lê, nguyên Chủ bút báo Cứu Quốc, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam từng khẳng định: “Nhà báo Xuân Thủy là linh hồn của báo Cứu quốc”.

Không những thế, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhà báo Xuân Thủy cũng là người chủ chốt sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam (lúc đầu mang tên là Ðoàn Báo chí Việt Nam (1946). Nơi các nhà báo bàn bạc thành lập Hội chính là trụ sở báo Cứu Quốc. Trong hồi ký, nhà báo Xuân Thủy viết: “Tình hình đất nước đang diễn biến cực kỳ phức tạp… Nay đã đến lúc các nhà báo chúng ta cần tập hợp lại vào một tổ chức. Tôi đã xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người rất hoan nghênh và nói: Người làm báo cũng là chiến sĩ. Người cầm bút, người cầm súng, cầm gươm cùng đoàn kết trong một mặt trận để cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc”.

Tới tháng 4-1950, tại ATK Chiến khu Việt Bắc, nhà báo Xuân Thủy đứng ra triệu tập các đồng nghiệp, mở Ðại hội thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam”- năm 1959 đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Nhà báo Xuân Thủy được bầu làm Chủ tịch Hội và được Tổ chức quốc tế Các nhà báo (OIJ) cử vào Ðoàn Chủ tịch OIJ, cho tới tháng 9-1962.

Cách đây gần 10 năm, tháng 8-2004, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra quyết định công nhận nơi thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam” là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21-4-1950 / 21-4-2010), phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Thế Huynh- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương- lúc bấy giờ là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đánh giá, những người làm báo Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là người thư ký trung thành trong mọi thời khắc lịch sử quan trọng; trực tiếp đóng góp xương máu, công sức và trí tuệ vào sự trưởng thành của đất nước và dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nhà báo Việt Nam luôn phấn đấu hoàn thành sứ mạng là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết đội ngũ người làm báo phấn đấu vì sự nghiệp báo chí cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Báo chí là cầu nối ý Đảng- lòng dân, góp phần đưa hình ảnh các quốc gia trên thế giới đến Việt Nam và đưa hình ảnh Việt Nam vươn tới bạn bè quốc tế.

Còn tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác năm 2014 của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Quảng Ninh (ngày17- 18/4) mới đây, phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nhấn mạnh, chủ đề hoạt động năm 2014 của Hội Nhà báo Việt Nam là “Nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hội Nhà báo Việt Nam đặt chỉ tiêu năm 2014, 100% hội nhà báo tỉnh, thành phố, liên chi hội, chi hội trực thuộc đăng ký hoàn thành tốt nhiệm vụ, hưởng ứng phong trào do Trung ương Hội phát động; 100% chi hội, hội viên không có người vi phạm Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Tới nay, cả nước có 288 tổ chức cơ sở hội nhà báo, gồm 63 Hội tỉnh, thành phố; 19 Liên chi hội; 206 chi hội trực thuộc với số lượng trên 20.000 hội viên.

Hết sức quan tâm tới báo chí, trước đó 10 năm, ngày 18-3-2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới.

*
* *

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại của dân tộc thế kỷ XX, những người làm báo cách mạng luôn đứng nơi đầu sóng ngọn gió. Hàng ngàn nhà báo đã trở thành phóng viên chiến trường, vừa cầm bút vừa cầm súng. Hơn 400 nhà báo đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ Quốc.

Tháng 3 vừa qua, Hà Nội đã gắn biển tên đường Trần Kim Xuyến – nhà báo liệt sỹ đầu tiên của nền Báo chí cách mạng Việt Nam, cùng với nhà báo Thép Mới. Trước đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đã lấy tên nhà báo- liệt sĩ Bùi Đình Túy (bút danh Đình Thúy) đặt cho một cây cầu và một tuyến phố. Như vậy, cho tới thời điểm này, có 3 nhà báo cách mạng Việt Nam đã được vinh danh đặt tên đường phố.

Nhớ khi xưa, cụ Đồ Chiểu từng nói “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, hay như nhà thơ Sóng Hồng – Trường Chinh từng viết “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ”, mới thấy vai trò to lớn cũng như trách nhiệm của nhà báo là rất nặng nề. Nhà văn vô sản vĩ đại Macxim Gorky cũng từng ví nhà báo là những “cánh chim báo bão”. Julius Fucik thì nói, kể cả dưới giá treo cổ thì vẫn viết.

Hội Nhà báo Việt Nam ra đời trong kháng chiến, trưởng thành qua biết bao thử thách – là ngôi nhà chung của những người làm báo Việt Nam, đang vững bước vào kỉ nguyên truyền thông đa phương tiện, thời đại thế giới phẳng trên một nền móng vững chắc. Hội Nhà báo Việt Nam vững mạnh là bởi đã được trui rèn qua lửa đỏ và nước lạnh.

Nhân ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, (21-4), thêm một lần nữa tự hào được là người lính trong đội ngũ trùng trùng điệp điệp của những người làm báo cách mạng Việt Nam.

HÀ TRỌNG NGHĨA

Nguồn: daidoanket.vn
Vkyno (st)

Advertisement
Posted in Tham vấn & Phản biện. Nhãn: , , . Chức năng bình luận bị tắt ở Ngôi nhà chung của những người làm báo Việt Nam
%d người thích bài này: